​Viêm gan vi rút

08/08/2023 In bài viết

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan vi rút. Có 5 loại vi rút viêm gan, trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vi rút viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt vi rút viêm gan B và có đường lây truyền tương tự như vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan A và E lây truyền qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong các loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.

Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao, trẻ em cần được tiêm vắc xin sớm trong vòng 24 giờ sau khi sinh và tiêm các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng.

Mặc dù có thể dự phòng được, năm 2019 tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu mới đạt 85% thấp hơn so với mục tiêu cần đạt là 90%, trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới đạt 43%. Với viêm gan vi rút C, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ sử dụng thuốc kháng vi rút trực tiếp (Direct Acting Antivirals - DAAs) thế hệ mới được sử dụng đơn giản với thời gian điều trị ngắn, ít độc tính và có tỷ lệ điều trị khỏi trên 95%, đặc biệt có một số loại thuốc có tác dụng với tất cả các kiểu gen. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn thấp do chi phí chẩn đoán và điều trị còn cao.

Tình hình bệnh viêm gan vi rút trên thế giới

Theo báo cáo của WHO đến năm 2021, có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 58 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút trong đó có 96% là do viêm gan B và viêm gan C mà nguyên nhân chủ yếu là do ung thư biểu mô tế bào gan và xơ gan. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2010, nguyên nhân tử vong có liên quan đến viêm gan vi rút đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm gây ra. Ngoài ra, viêm gan cấp tính do vi rút viêm gan A và E cũng góp phần vào tỷ lệ tử vong do viêm gan vi rút với số ca tử vong mỗi năm lần lượt là 14.900 và 52.100 trường hợp.

Tình hình bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và có gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan B và C. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2017, ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Giám sát dịch tễ học huyết thanh vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C trong nhóm người trưởng thành tại Việt Nam được thực hiện tại 32 tỉnh, thành phố năm 2018 và 2019 với cỡ mẫu 25.649 người. Kết quả của giám sát dịch tễ học này cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính (anti-HBc total dương tính và HBsAg dương tính) tại Việt Nam năm 2018 là 9,2%, trong đó cao nhất tại Nam Trung Bộ (11,4%), Tây Nguyên (11,1%), Tây Bắc (11,1%), và thấp nhất tại Bắc Trung Bộ (7,5%). Tỷ lệ đã từng nhiễm vi rút viêm gan C (anti-HCV dương tính) là 1,8%. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính (anti-HCV dương tính và HCV core Antigen dương tính) là 1,0%, trong đó ghi nhận trên 1,0% tại các vùng Tây Nam Bộ (1,7%), Tây Bắc (1,5%), Tây Nguyên (1,3%) và Đông Bắc (1,2%), trong khi tại Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ đều có tỷ lệ dưới 1,0%. Tỷ lệ đồng nhiễm HBV và HCV là 0,1%.

Ngày 05/3/2015, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch quốc gia về phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 793/QĐ-BYT với mục tiêu chung là giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút. Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch này tập trung vào 04 nội dung chính, bao gồm:

1)Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân, cán bộ y tế, chính quyền các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút;

2) Tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan đặc biệt là viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C và dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con;

3) Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và thu thập số liệu để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và can thiệp nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút viêm gan trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế;

4) Nâng cao năng lực trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân viêm gan vi rút và mở rộng tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút đặc biệt là viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C.

Kế hoạch quốc gia về phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 về cơ bản thống nhất với Kế hoạch hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương về viêm gan vi rút giai đoạn 2016-2021, nhưng vẫn tồn tại những khoảng trống về mục tiêu và các hoạt động thực hiện, trong đó chưa đề cập đến các mục tiêu cần đạt được theo từng chương trình, hoạt động, khung theo dõi giám sát việc triển khai kế hoạch và kinh phí để triển khai các hoạt động trong kế hoạch. Bên cạnh đó, việc triển khai Kế hoạch quốc gia về phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc huy động kinh phí đầu tư để triển khai đồng bộ các hoạt động, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị đặc biệt là giữa lĩnh vực phòng và điều trị; thiếu số liệu cơ sở để ước tính gánh nặng bệnh tật và thiết lập mục tiêu cụ thể và hạn chế nguồn nhân lực, nguồn tài chính thực hiện. Trên cơ sở tình hình bệnh tật, thực trạng và các khó khăn tồn tại trong các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam, Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025, nhằm tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo điều hành và triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan vi rút phù hợp với tình hình hiện tại với tầm nhìn đến năm 2030: Tiến tới loại trừ để viêm gan vi rút không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke