​Bộ Y Tế ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024

05/02/2024 In bài viết

Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023[1]; các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và vi rút hợp bào hô hấp (RSV)[2]. Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh cúm theo mùa, trong đó có 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng; trong đó có 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Bên cạnh cúm mùa và các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, năm 2023 trên thế giới cũng ghi nhận các trường hợp mắc cúm động lực cao cúm A(H5N1)[3], cúm A(H5N6)[4] và cúm gia cầm A(H9N2)[5].

Mặc dù vậy đây là năm có nhiều cột mốc và thách thức đối với y tế công cộng toàn cầu. Ngày 05/5/2023, sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế[6]; đến hết năm 2023, thế giới ghi nhận trên 700 triệu trường hợp mắc và trên 6,9 triệu trường hợp tử vong. Năm 2023, WHO cũng đã tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ (Mpox) không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu; đến hết năm 2023, thế giới ghi nhận trên hơn 92.000 trường hợp mắc, 171 trường hợp tử vong tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2023, cũng ghi nhận nỗ lực giải quyết các tác động về sức khỏe được nâng lên mức độ chính trị cao nhất khi các chính phủ, nhà khoa học và những người ủng hộ đã lần đầu tiên đưa vấn đề y tế vào vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự COP28 và đưa ra tuyên bố toàn cầu về khí hậu và sức khỏe[7]. Hội nghị cấp cao về dự phòng, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với đại dịch đã thống nhất đưa ra một tuyên bố chính trị mạnh mẽ và Tổng thư ký liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia phát huy động lực này bằng cách đưa ra một hiệp định mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào vấn đề bình đẳng y tế và đưa ra thông điệp: Từ bài học của đại dịch COVID-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khoẻ mạnh hơn, bình đẳng hơn[8].

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch liên quan; sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã đạt được những kết quả nhất định.

Năm 2023, tình hình các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát và cơ bản đạt mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. COVID-19 đã chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B góp phần quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước; số mắc và tử vong do sốt xuất huyết giảm mạnh so với năm 2022; tay chân miệng, sởi ghi nhận số mắc tăng so với năm 2022 nhưng được kiểm soát kịp thời, đã giảm từ tháng 10/2023; bạch hầu chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và trong nước không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nhóm A như tả, Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9) cúm A (H5N1), cúm A (H5N6)...

Nhận định tình hình dịch bệnh

Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với bối cảnh toàn cầu hoá, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh (từ các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...; các bệnh dự phòng bằng vắc xin như bạch hầu, ho gà, uốn ván... đến các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài như đậu mùa khỉ...).

Ngày 02/02/22024, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 tại Quyết định số 266/QĐ-BYT với Mục tiêu chung trong thời gian tới là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

Các mục tiêu cụ thể

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn

- Hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội.

- Tham mưu ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; hoàn thiện, ban hành các Thông tư: Thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm y tế tuyến xã thực hiện và Thông tư thay thế Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc (sau đây gọi là Thông tư 38/2017/TT-BYT); xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và phối hợp xây dựng Thông tư quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập theo đúng quy định của Luật giá.

- Xây dựng các đề án thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, xây dựng kế hoạch triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 tại Thông báo số 494/TB-VPCP ngày 29/11/2023 về kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương và xây dựng bộ tiêu chí chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.

- Xây dựng, cập nhật, bổ sung các đề án, kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, dự phòng, kiểm soát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm: các đề án thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công nghiệp theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ; bộ tiêu chí chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh;

- Xây dựng hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm; hướng dẫn giám sát trọng điểm lồng ghép hội chứng cúm và COVID-19; hướng dẫn giám sát trọng điểm tay chân miệng; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Thực hiện các chỉ tiêu chung về chuyên môn, kỹ thuật

- Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.

- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 90% quy mô cấp xã.

- Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng đủ mũi vắc xin uốn ván đạt >85%.

- 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

- Đảm bảo các bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện, xử lý kịp thời.

- Đảm bảo các cán bộ làm công tác phòng chống dịch được đào tạo, đào tạo liên tục, tập huấn về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi.

- Đảm bảo các cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

- Đảm bảo cán bộ y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa Nội, Truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

Thực hiện chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm

- Hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong nước.

- Các bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế.

- COVID-19, đậu mùa khỉ: Hạn chế tối đa số ca bệnh nặng, tử vong.

- Bệnh sốt xuất huyết

- Số mắc/100.000 dân: <150/100.000[9].

- Tỷ lệ tử vong: <0,09%.

- Tỷ lệ ca lâm sàng được xét nghiệm định tuýp vi rút: 3%.

- Duy trì giám sát véc tơ thường xuyên tối thiểu 2 điểm do tỉnh/thành phố quản lý và 1 điểm do tuyến quận/huyện/thị xã/thành phố quản lý.

- Bệnh sốt rét

- Tỷ lệ mắc: <0,5/100.000 dân.

- Tỷ lệ tử vong: ≤ 0,002/100.000 dân.

- Bệnh dại: Khống chế ≤ 85 trường hợp tử vong[10].

- Bệnh tay chân miệng

- Tỷ lệ mắc: < 100/100.000 dân.

- Tỷ lệ tử vong: < 0,05%.

- Bệnh tả: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.

- Bệnh sởi, rubella

- Tỷ lệ mắc: <5/100.000 dân.

- Bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật bản B và các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng: giảm 5% so với trung bình giai đoạn 2016-2020.


[1] Phát biểu của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới ngày 10/01/2024.

[2] Tại Hoa Kỳ ghi nhận hơn 29.000 ca nhập viện để điều trị COVID-19 trên khắp nước Mỹ từ ngày 17-23/12/2023, tăng hơn 16% so với tuần trước đó và báo cáo hơn 14.700 ca nhập viện vì mắc cúm trong cùng khoảng thời gian này. Tại Anh trong tuần đầu năm 2024, trung bình hơn 3.000 người mắc COVID-19 nhập viện mỗi ngày, cao hơn 68% so với đầu tháng 12/2023. Tại Italy, số người mắc cúm và COVID-19 tăng cao trong hai tuần cuối năm 2023, với tỷ lệ lây nhiễm là 17,5/1.000 và 17,7/1.000. Tại Tây Ban Nha, số ca mắc cúm tăng 75% trong tuần cuối của năm 2023, nhiều nhất là bệnh cúm dẫn đến viêm phổi nặng. Tại Trung Quốc, từ tháng 11/2023 ghi nhận gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp với các tác nhân chủ yếu là vi rút cúm, rhinovirus, mycoplasma pneumoniae, vi rút hợp bào hô hấp, vi rút Adeno...

[3] Năm 2023 trên thế giới ghi nhận 12 ca mắc cúm A(H5N1) tại Campuchia (6), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (04), Chile (01), Trung Quốc (01) trong đó có 04 ca tử vong tại Campuchia. Tích lũy từ năm 2003 đến nay thế giới ghi nhận 882 ca mắc, 461 ca tử vong (tỷ lệ tử vong: 52,3%).

[4] Tháng 12/2023 ghi nhận 01 ca tử vong do mắc cúm A(H5N6) tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tích lũy từ năm 2014, ghi nhận 89 ca mắc tại Trung Quốc (88) và Lào (01), trong đó 35 ca tử vong (tỷ lệ tử vong: 39,3%).

[5] Tháng 11/2023 ghi nhận 02 ca mắc tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tích lũy đến nay ghi nhận 130 ca mắc cúm A(H9N2) (chủ yếu tại Trung Quốc với 117 ca mắc).

[6] Phát biểu của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới ngày 05/5/2023.

[7] Phát biểu của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới ngày 26/12/2023.

[8] Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch, 27/12/2023.

[9] Giảm 10% với số mắc năm 2023.

[10] So với trung bình giai đoạn 2011-2021.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

File Link
Bộ Y Tế ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 Download
Thong ke