​Tập huấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia

12/12/2023 In bài viết

Ngày 14/06/2019, Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14. Luật này gồm 07 Chương và 36 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật này cũng sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác, đó là: Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14; Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 và Luật Thương mại số 36/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 05/2017/ QH14.

Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới tài khóa 2022-2023, để nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế tại địa phương, ngày 07-08/12/2023, Cục Y tế dự phòng tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại tỉnh Lạng Sơn. Tham dự lớp tập huấn có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Bệnh viện đa khoa tỉnh; Trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã.

Tại lớp tập huấn, bác sĩ Hà Huy Toan, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng chia sẻ các thông tin về thực trạng sử dụng rượu, bia và tác hại đối với sức khỏe một số quy định, chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia và Hướng dẫn các học viên một số nội dung về xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia, Hướng dẫn tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo thông tin từ tổng cục thống kê, trong giai đoạn 2015-2019 sản lượng bia tăng trung bình 7,5%/năm, sản lượng rượu tăng 1,5%/năm. Năm 2020 và 2021 sản lượng giảm, tuy nhiên đến năm 2022 đã có xu hướng gia tăng trở lại. Theo kết quả điều tra quốc gia về bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2015 cho thấy tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành là 11,2% và tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại ở nam giới là 44,2%.

Ngoài ra, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới còn chia sẻ thông tin về Gói giải pháp SAFER và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về giảm sử dụng rượu bia.

Lớp tập huấn còn cung cấp cho học viên còn được cung cấp kiến thức về đánh giá, phân loại nguy cơ và các biện pháp can thiệp cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia và xây dựng kế hoạch triển khai sàng lọc và can thiệp giảm tác hại do uống rượu, bia.

Các biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng gồm:

(1) Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

(2) Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng;

(3) Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư;

(4) Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm;

(5) Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke