​Đẩy nhanh công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 khi mùa đông xuân đến gần

21/10/2022 In bài viết

Tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam, bên cạnh dịch COVID-19, sốt xuất huyết đang lưu hành, tay chân miệng thì một số dịch mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.

Đến nay tổng số ca mắc trên thế giới đã lên đến hơn 631,5 triệu ca, trên 6,57 triệu ca tử vong. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.495.772 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.713 ca nhiễm).

Ngày 19/10, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Novavax làm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi. Mũi tăng cường được sử dụng cho những người không đủ điều kiện tiêm các mũi tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron, hoặc những người không muốn tiêm vaccine mũi tăng cường của các hãng khác. Sau quyết định của FDA, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị về loại vaccine này trước khi triển khai tiêm chủng. 

Tại Mỹ, tới nay mới chỉ có khoảng 35.000 mũi vaccine của Novavax được tiêm ở Mỹ kể từ khi vaccine này được cấp phép sử dụng vào đầu tháng 7. Trong khi đó, hơn 50% dân số Mỹ đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường vẫn chưa tiêm. Giám đốc điều hành của Novavax, Stanley Erck hy vọng việc cung cấp thêm một lựa chọn vaccine có thể giúp tăng tỷ lệ tiêm mũi tăng cường ở Mỹ.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 và sự xâm nhập của một số bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, ngày 20/10, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Hội nghị kết nối từ điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và đại diện các bộ, ngành, các tổ chức liên quan. Về phía địa phương, có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện và các báo đài Trung ương và địa phương.

Theo báo cáo của Viện Pasteur Hồ Chí Minh đến ngày 13/10/2022, thế giới nghi nhận 72.198 ca mắc đậu mùa khỉ tại 109 quốc gia trong đó có 28 ca tử vong. Số mắc tiếp tục ghi nhận khoảng 3.000 ca mắc/tuần. WHO đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao; khu vực Tây Thái Bình Dương ở mức thấp đến trung bình; các khu vực khác ở mức trung bình.      

Ngày 03/10/2022, Việt Nam công bố ghi nhận trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên. Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh, được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động của ngành y tế và đã cách ly, điều trị kịp thời ; đây là ca bệnh xâm nhập, hiện, bệnh nhân đã có xét nghiệm âm tính với bệnh Đậu mùa khỉ, sức khỏe ổn định.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nhờ có sự chủ động ứng phó của ngành y tế và ý thức tốt của người bệnh nên trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai này đã được cách ly và xử lý phòng chống lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng.

Về dịch bệnh sốt xuất huyết, tại phía Nam dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm, tuy nhiên hiện đang là mùa mưa thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, nên nguy cơ dịch có thể gia tăng tiếp tục.

Về bệnh do virus Adeno hiện vẫn ghi nhận ca bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Nhi TW và một số địa phương.

Không lơ là công tác phòng chống dịch COVID-19 và đẩy nhanh tiêm vaccine khi mùa đông xuân đến gần

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước; đồng thời đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến thể gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp do đó các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.

Sau khi nghe các báo cáo về tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế năm 2022 – 2023, ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19, các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng, cập nhật dữ liệu tiêm chủng; công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, cúm gia cầm lây sang người (A/H5), sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Adeno, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương có ý kiến sau:

Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.

Thứ trưởng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế  tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ cao; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; tiếp tục rà soát số liệu tiêm chủng và thúc đẩy việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng hàng ngày lên hệ thống Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19; Bên cạnh đó thực hiện đúng, kịp thời công tác báo cáo tiêm chủng, một số địa phương còn báo cáo chậm như Hà Nội,…; Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cán bộ đầu mối của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải quyết vấn đề bồi thường đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm phòng COVID-19 và Tiếp tục rà soát số lượng vắc xin còn tồn, sắp hết hạn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để hướng dẫn xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”

Với bệnh đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các Viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke